0 Your Cart $0.00

Cart (0)

No products in the cart.

Ví tiền điện tử là gì? Top các ví tiền điện tử trong crypto

Việc hiểu rõ chức năng và cách hoạt động của ví điền tiện tử là điều cần thiết khi tham gia thị trường crypto.
Qua bài viết này MINER68 sẽ giúp bạn hiểu về ví tiền điện tử là gì, đồng thời biết được các thành phần, cách hoạt động cũng như các loại ví crypto được phân loại như thế nào.

Ví tiền điện tử là gì?

Đây là phần mềm lưu trữ public key và private key trên blockchain cho phép người dùng truy cập, quản lý và theo dõi số dư tài sản tiền điện tử. Hay ta có thể hiểu đây là phần mềm để người dùng tương tác với mạng lưới blockchain.

9-2.jpg

Tuy nhiên, thực chất ví tiền điện tử không chứa tài sản (coin/token) của người dùng bên trong nó. Mà tiền điện tử vẫn nằm trên mạng lưới blockchain và ví chỉ là công cụ để người dùng có thể truy cập và sử dụng số tiền điện tử mà họ nắm giữ, thông qua cặp khoá public key và private key.
Phần sau đây, MINER68 sẽ giải thích về các thành phần này và cách chúng hoạt động.

Các thành phần của ví lưu trữ coin
Khi người dùng tạo một ví tiền điện tử, hệ thống blockchain sẽ tạo ra một cặp khoá liên kết với ví bao gồm: public key và private key. Ngoài ra, một số ví sẽ cung cấp cho người dùng passphrase, hay còn được gọi là secret recovery phrase, seed phrase, mnemonic.

Những thông tin này đều không thể thay đổi.

Public key và Địa chỉ ví
Public key là một chuỗi các ký tự chữ cái và số được mã hoá dựa trên công nghệ mật mã học (cryptography). Người dùng có thể chia sẻ công khai và nhận tài sản crypto về ví của mình thông qua public key. Không ai có quyền truy cập vào ví để sử dụng tài sản bên trong trừ khi người đó có private key được tạo tương ứng với public key đó.

Tuy nhiên, một public key thông thường sẽ rất dài và phức tạp, gây ra sự bất tiện cho người dùng, vì vậy khi ứng dụng vào crypto, chúng đã được rút gọn lại thành một phiên bản ngắn hơn gọi là địa chỉ ví.

Vì vậy, public key thường được xem như địa chỉ định danh người dùng trên mạng lưới blockchain, tương ứng với địa chỉ ví của họ.

Private key
Private key là chuỗi ký tự chữ cái và số dùng để giải mã public key và truy cập vào địa chỉ ví. Điều đó có nghĩa là:

Mỗi public key sẽ đi kèm với một private key riêng.
Chỉ có người sở hữu private key mới có thể giải mã public key và truy cập tài sản bên trong ví. 
Người dùng nắm giữ private key có thể truy xuất được public key, nhưng không tồn tại chiều ngược lại. Tức là nếu người dùng chỉ có public key thì không thể truy xuất được private key.
Một private key thường có dạng: 5Kb8kLf9zgWQnogidDA76MzPL6TsZZY36hWXMssSzNydYXYB9KF

Vì vậy, private key được xem là “chìa khoá” của ví tiền điện tử và thường được yêu cầu phải lưu giữ cẩn thận, bảo mật. Đồng thời tránh việc chia sẻ hoặc cho người khác thấy private key vì họ sẽ có thể truy cập ví và sử dụng tài sản. Làm mất hoặc bị lộ private key thì coi như mất tiền vĩnh viễn.

Hiểu một cách đơn giản hơn, nếu so sánh ví tiền điện tử như một tài khoản ngân hàng thì:

Public key đóng vai trò là số tài khoản ngân hàng.
Private key đóng vai trò là mật khẩu để đăng nhập tài khoản. Điểm khác biệt là mật khẩu ngân hàng do người dùng tạo và có thể thay đổi được, còn private key do blockchain tạo và bất biến, không thể thay đổi.

Passphrase (Seed phrase)

Passphrase hay còn được gọi là secret recovery phrase, seed phrase, mnemonic… là một tập hợp các từ tiếng anh (12 hoặc 24 từ) cho phép người dùng truy cập hoặc khôi phục các ví crypto đã tạo trước đó.

Thông thường, passphrase sẽ được cung cấp khi tạo ví multi-chain, và nó đóng vai trò như một “master key” cho nhiều private key.

Để giải thích cho điều này, ví multi-chain là một tập hợp nhiều ví tiền điện tử trên nhiều blockchain khác nhau. Chúng có thể có địa chỉ ví giống nhau nhưng về bản chất, chúng sẽ có các public key và private key khác nhau (tương ứng với mỗi ví trên mỗi blockchain). Để tiện lợi cho việc quản lý, các ứng dụng ví multi-chain sẽ cung cấp một passphrase chung cho tất cả các ví bên trong nó.

Nói cách khác, ví sẽ dùng passphrase để tạo ra nhiều private key, tương ứng với các địa chỉ ví trên các mạng lưới blockchain khác nhau. Thông qua passphrase, người dùng có thể mở khoá và truy cập được nhiều ví khác nhau cùng một lúc. 

Vì vậy, passphrase thường hoạt động như một cơ chế sao lưu (backup) hoặc khôi phục cho ví tiền điện tử của người dùng, trong trường hợp họ bị mất quyền truy cập khỏi thiết bị.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào cơ chế giải mã ở các ví khác nhau mà passphrase sẽ cho địa chỉ ví khác nhau. 

Cách hoạt động của ví crypto

Mục đích chính của ví crypto là cung cấp cho người dùng một giao diện thân thiện hơn để kết nối với private key. Hơn nữa, như đã đề cập trước đó:

Ví crypto không chứa tài sản crypto.
Tài sản crypto nằm trên mạng lưới blockchain.
Về cơ bản, ví crypto chỉ chứa private key để xác thực các thông tin về việc đồng tiền điện tử đang nằm trên địa chỉ public key nào của mạng lưới blockchain. Theo đó:

Ví tiền điện tử lưu giữ private key và thông tin người dùng.
Trong khi public key nằm trên blockchain. Do đó, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng public key để kiểm tra số dư và mọi thông tin liên quan. Tuy nhiên, phải có private key thì mới truy cập và sử dụng tài sản được. 
Bằng cơ chế mã hóa, giải mã thông tin của public key và private key, ví tiền điện tử có thể hoạt động một cách bảo mật để xác thực số dư hoặc thực hiện ký giao dịch gửi, nhận tiền điện tử.

Theo đó, khi người dùng muốn gửi tiền điện tử, ví thường sẽ yêu cầu ký điện tử (sign transaction) để hoàn thành giao dịch. Thực chất ở bước này, người dùng đang sử dụng private key để chứng minh giao dịch hợp lệ và xác nhận rằng họ là người gửi tài sản crypto.

Sau đó, các node trên blockchain sẽ xác thực và ghi thông tin giao dịch lên blockchain. Lúc này, khoản tiền điện tử đó sẽ nằm trên public key của ví người nhận. 

Các loại ví tiền điện tử

Theo cách lưu trữ private key
Dựa trên cách lưu trữ private key, ví tiền điện tử được phân thành hai loại chính:

Ví nóng: Lưu trữ private key trong môi trường trực tuyến (online), tức là phải có kết nối mạng internet thì mới có thể truy cập vào ví và sử dụng tài sản. Ví nóng có thể là một phần mềm trên web (extension), ứng dụng điện thoại di động, desktop. Đồng thời, ví nóng tiện lợi hơn bởi nó có thể dễ dàng tương tác với ứng dụng phi tập trung (dApp), hợp đồng thông minh (smart contract)...
Ví lạnh: Lưu trữ private key trong môi trường ngoại tuyến (offline), không cần kết nối mạng internet để truy cập ví và quản lý tài sản. Ví lạnh thường là các thiết bị vật lý như phần cứng (hay ví cứng), tài liệu giấy, đĩa CD… Ví lạnh không thể tương tác trực tiếp với dApp hay smart contract, nhưng nó lại có cung cấp tính bảo mật cao hơn nhiều so với ví nóng.
Ngoài ra, ví nóng còn được phân chia thành hai loại dựa trên quyền kiểm soát private key:

Ví lưu ký (custodial wallet): Private key của ví bị quản lý bởi một bên thứ ba cung cấp dịch vụ. Ví dụ: ví trên sàn Binance, Bybit, Crypto.com
Ví không lưu ký (non-custodial wallet): Private key của ví được quản lý bởi người tạo ví. Ví dụ: ví Coin98 Super Wallet, ví Metamask, ví Trust.
Theo blockchain hỗ trợ
Dựa trên số lượng nền tảng blockchain hỗ trợ, ví tiền điện tử được phân thành 2 loại:

Ví Multi-chain (ví đa chuỗi): Hỗ trợ nhiều tài sản kỹ thuật số blockchain khác nhau cùng một lúc. Ví đa chuỗi dễ quản lý tài sản crypto hơn vì chỉ cần lưu trữ 1 passphrase cho nhiều ví. Ví dụ: Có thể tạo và quản lý nhiều ví multi-chain trên Coin98 Super Wallet.
Ví Single-chain (ví đơn chuỗi): Chỉ có thể lưu trữ, gửi và nhận coin hoặc token của một blockchain cụ thể. Tính bảo mật hơn so với ví đa chuỗi. Ví Bitcoin Core của Bitcoin chỉ hỗ trợ BTC.

Top các ví tiền điện tử uy tín

Ví nóng
1. Ví Coin98 Super Wallet:

Ví Coin98 Super Wallet hỗ trợ multi-chain với hơn 70 blockchain, đồng thời luôn cập nhật các blockchain mới. Vì vậy hầu hết token nào cũng có thể được hỗ trợ lưu trữ trên Coin98 Super Wallet. Bên cạnh đó, ví cũng hỗ trợ lưu trữ NFT.

Ngoài ra, với mục tiêu all-in-one (tất cả trong một) và đặt trọng tâm phát triển là nâng cao trải nghiệm người dùng, ví Coin98 còn cung cấp nhiều tính năng và các sản phẩm do team phát triển như:

Swap: Cho phép swap token trên nhiều chain khác nhau. 
SpaceGate: Chuyển đổi token giữa các chain một cách tiện lợi.
OneID: Cho phép người dùng đăng ký một ID trên multi-chain.  
Zen Card: Nâng cấp khả năng bảo mật với cơ chế kết hợp giữa ví nóng và ví lạnh.
Browser: Tích hợp nhiều loại dApp.
Reward Hubs: Chơi game và kiếm lợi nhuận…
2. Ví Metamask:

Ví Metamask được phát triển bởi công ty ConsenSys Software và được sử dụng phổ biến với bản extension trên trình duyệt, được tích hợp với hầu như tất cả dApp của crypto. Điểm trừ của Metamask nằm ở việc chuẩn token lưu trữ trên ví chưa đa dạng.

3. Ví sàn Binance:

Sàn Binance là sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu thế giới được thành lập bởi Changpeng Zhao. Sàn hỗ trợ giao dịch nhiều đồng token và hầu hết các chuẩn token như ERC-20, BEP-20, SPL… Bên cạnh đó, đây cũng là sàn tiên phong trong việc cung cấp Proof of Reserves (PoR) để tăng tính minh bạch về việc tài sản người dùng lưu trữ trên sàn được đảm bảo 100%, mà không bị sử dụng cho những mục đích riêng của sàn.

Ví lạnh
4. Ví Ledger:

Đây là loại ví lạnh đang chiếm phần lớn thị phần của ví lạnh trong thị trường tiền điện tử. Ví Ledger cung cấp ứng dụng Legder Live, cho phép người dùng kết nối với ví lạnh và mua bán tài sản crypto trực tiếp trên ví. Đồng thời tích hợp với nhiều ứng dụng phi tập trung khác để tiện lợi hơn trong việc sử dụng.

Tuy nhiên, nhược điểm là chi phí mua ví Ledger thường nhỉnh hơn so với các loại ví lạnh khác, và hệ thống vận hành tuỳ chỉnh của ví không phải mã nguồn mở.

5. Zen Card:

Zen Card là một giải pháp lưu trữ kết hợp giữa ví nóng và ví lạnh được phát triển bởi đội ngũ Ninety Eight. Zen Card có hình dạng như một chiếc thẻ ngân hàng và hoạt động như sau:

Zen Card mã hoá dữ liệu seed phrase/private key và chia làm 2 phần, một phần lưu trên thẻ Zen, một phần lưu trên ví nóng Coin98 Super Wallet.

9-3.jpg
Người dùng chỉ có thể thực hiện giao dịch khi có cả 2 thiết bị cùng lúc.
Trong trường hợp mất thẻ hoặc mất điện thoại, tức mất 1 trong 2, tài sản người dùng vẫn có thể được bảo toàn vì không ai có thể truy cập vào ví. 
Với Zen Card, việc lưu trữ, quản lý và bảo mật tài sản của người dùng sẽ được nâng cấp hơn. Đồng thời vẫn đảm bảo tính tiện lợi ở mức độ nhất định vì có thể cất trong ví và mang theo bên mình một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, hiện Zen Card chỉ mới được phát hành dưới dạng quà tặng trong sự kiện The One. Dự kiến năm 2024, đội ngũ Ninety Eight mới ra mắt và mở bán thẻ chính thức trên thị trường.